Một người đã trở thành nhân viên chính phủ trong khi người còn lại là đầu bếp. Chỉ số IQ của họ chênh lệch tới 16 điểm, trong khi gen, bệnh tật và tính cách thì vẫn giống nhau.
Trí thông minh chúng ta được quyết định bởi gen hay môi trường nuôi dưỡng? Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn thường thắc mắc. Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra chỉ số IQ của những đứa trẻ song sinh giống hệt nhau (hay còn gọi là song sinh đơn hợp tử).
Họ xác nhận chỉ số IQ được quyết định tới 80% bởi gen di truyền và những đứa trẻ song sinh thường có IQ chênh lệch nhau không quá 7 điểm.
Nhưng có một vấn đề, các nghiên cứu kể trên đều dựa trên những cặp song sinh được nuôi lớn trong môi trường giáo dục và văn hoá tương tự nhau. Phải đến tận gần đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Personality and Individual Differences mới tìm được một cặp song sinh cá biệt có một không hai trên thế giới để đối chiếu.
Hai đứa trẻ này đã lớn lên trong hai môi trường văn hoá khác hẳn nhau. Họ vốn là hai chị em song sinh người Hàn Quốc, nhưng bị lạc mất nhau từ năm 1976. Khi đó, cả hai mới chỉ là những đứa trẻ 3 tuổi.
Cơ hội nghiên cứu có một không hai
Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi sáng năm 1976, khi một trong hai chị em người Hàn Quốc đã bị lạc khi đi chợ với bà ngoại. Ai đó đã tìm thấy đứa trẻ bơ vơ không ai nhận nên đã đưa về nhà. Sau đó, đứa trẻ bị sốt vì bệnh sởi và được đưa vào một bệnh viện cách nơi ở cũ của gia đình tới 100km.
Bất chấp nỗ lực tìm kiếm, gia đình đứa trẻ đã không tìm được tung tích con mình. Người mẹ sau đó đã mở một cửa hàng trong khu chợ mà con mình mất tích, để nhìn từng đứa trẻ đi qua đó mỗi ngày.
Bà không biết con mình đã được đưa vào cô nhi viện và cuối cùng được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng ngoại quốc. Họ đã đưa đứa trẻ này sang Mỹ, trong khi, người chị em song sinh vẫn ở lại gia đình Hàn Quốc.
Đến tận năm 2020, trong một chương trình tìm kiếm người thân mất tích, cặp song sinh thất lạc mới tìm lại được nhau. Các nhà khoa học vô tình cũng xem được chương trình đó, và họ ngay lập tức chớp lấy cơ hội để thực hiện một nghiên cứu.
Giáo sư Nancy L. Segal, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Song sinh tại Đại học Bang California ở Fullerton cho biết:
"Tôi đã nghiên cứu những cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi cách xa nhau trong nhiều năm. Họ đặt ra một thí nghiệm đơn giản nhưng hiệu quả để phân loại các ảnh hưởng của di truyền và môi trường lên các đặc điểm của con người".
"Trường hợp này trở nên độc nhất ở chỗ, cặp song sinh được nuôi dưỡng ở hai quốc gia khác hẳn nhau về môi trường văn hóa".
Hai đứa trẻ đã lớn lên với sự khác biệt như thế nào?
Trong nghiên cứu mới, cặp song sinh Hàn Quốc đã hoàn thành các phỏng vấn về môi trường gia đình, tiền sử bệnh tật, một bài kiểm tra IQ, một bài kiểm tra khả năng lý luận phi ngôn ngữ.
Qua các khảo sát này, các nhà khoa học có thể đánh giá được thêm đặc điểm tính cách, chủ nghĩa cá nhân- tập thể, lòng tự trọng, sức khỏe tâm thần cũng như sự hài lòng trong công việc và cuộc sống của họ.
Kết quả cho thấy trong thời gian 46 năm xa cách, cặp song sinh đã trải qua các nền văn hóa và môi trường gia đình khá trái ngược.
Đứa trẻ ở lại Hàn Quốc được nuôi dưỡng trong bầu không khí gia đình đầm ấm và gắn kết hơn. Ngược lại, đứa trẻ song sinh được cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi đã sống trong môi trường nghiêm khắc, thiên về tôn giáo và có mức độ xung đột trong gia đình cao hơn.
Bố mẹ nuôi của cô cuối cùng đã ly hôn và cô nói rằng mình đã phải chịu 3 sự kiện sang chấn lớn trong cuộc đời. Cô nói đó là những sự kiện đã biến mình trở thành một con người khác.
Tuy nhiên, dù bất kể điều gì xảy ra, có một sự thật là DNA của cặp song sinh giống hệt nhau. Các khảo sát cũng cho thấy bất chấp môi trường sống khác biệt, họ có những điểm tương đồng khá rõ ràng trong tính cách, lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần.
Cả tiền sử bệnh tật của cặp song sinh này cũng khá giống nhau. Họ cũng báo cáo mức độ hài lòng với công việc và cuộc sống tương tự nhau- dù công việc của họ khá khác biệt, một người là đầu bếp, một người là nhân viên chính phủ.
"Các phát hiện này cho thấy bất chấp sự khác biệt về văn hóa, các cặp song sinh giống hệt nhau vẫn có một số đặc vẫn giống nhau đáng kể, chứng tỏ chúng là kết quả của sự ảnh hưởng từ di truyền", giáo sư Segal nói.
"Tuy nhiên, trái ngược với các nghiên cứu trước đây, chỉ số IQ và khả năng suy luận phi ngôn ngữ của cặp song sinh này lại có sự khác biệt rõ rệt", giáo sư Segal cho biết thêm.
Theo đó, đứa trẻ được nuôi dưỡng tại quê nhà ở Hàn Quốc đã đạt điểm cao hơn về khả năng suy luận và tốc độ xử lý. Chênh lệch điểm số IQ của cặp song sinh này cũng lên tới 16 điểm, một mức rất cao so với con số khoảng 7 điểm ở các cặp song sinh thường thấy.
Phù hợp với môi trường văn hóa, đứa trẻ lớn lên ở Mỹ cũng mang trong mình nhiều giá trị cá nhân hơn, trong khi đứa trẻ được nuôi dưỡng ở Hàn Quốc có nhiều giá trị tập thể. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng những khác biệt văn hóa này có thể có tác động đến một số điểm tính cách được báo cáo.
"Đối với cặp song sinh này, chúng tôi thấy sự ảnh hưởng của gen đến quá trình phát triển của họ là mạnh hơn. Tuy nhiên, các tác động từ môi trường sống cũng vẫn quan trọng. Hai chị em họ cho thấy sự khác biệt về văn hóa trên một số khía cạnh", giáo sư Segal nói.
Cô gái gốc Hàn tìm lại được gia đình của mình sau 44 năm được nhận nuôi tại Mỹ.
Để có thể hiểu hơn về sự ảnh hưởng của gen và môi trường sống đến sự phát triển của con người, các nhà khoa học sẽ cần tìm kiếm nhiều hơn các trường hợp như cặp song sinh Hàn Quốc này để so sánh.
"Chúng ta cần xác định thêm những trường hợp như vậy nếu có", giáo sư Segal nói. Các nghiên cứu tương tự trong tương lai cuối cùng sẽ cho chúng ta biết: Gen hay sự nuôi dưỡng sẽ quyết định nhiều hơn tới từng khía cạnh trong quá trình lớn lên của con người?
Tham khảo Sciencealert , Psypost , Koreatimes
Trích nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/cap-song-sinh-lac-nhau-44-nam-mot-nguoi-o-han-quoc-mot-nguoi-o-my-ho-da-lon-len-voi-su-khac-biet-nhu-the-nao-720221159581708.htm